Giỏ hàng
Tổng cộng:
Quyền hoành chính là chỉ cái cân đòn. Cân đòn phân thành hai bộ phận là cán cân và quả cân. Quả cân cũng được gọi là “quyền” (cân), tượng trưng chòm sao Hiên Viên; cán cân gọi là “hoành” (ngang bằng, cân đối), tượng trưng chòm sao Tử Vi. Từ “quyền hoành” do vậy mà có.
Tương truyền, cán cân có các vạch khắc biểu thị khắc độ (vạch khắc trên các dụng cụ đo lường), là căn cứ vào các vì tinh tú trên trời biến hoá mà ra, thời cổ đại 16 lạng là một cân, vậy nên trên cán cân có 16 ngôi sao. Sáu ngôi sao phía trước đại biểu cho Nam Đẩu lục tinh, tượng trưng bốn phương và trên dưới; bảy ngôi tiếp theo đại biểu Bắc Đẩu thất tinh, tượng trưng cho người dùng cân đứng giữa trời đất, tâm phải trung lập, phải công bằng chính trực không thiên vị như Bắc Đẩu thất tinh chỉ hướng vậy. Phần cuối của cán cân là ba ngôi sao Phúc, Lộc, Thọ, nhằm nhắc nhở người buôn phải thành thật, giữ chữ tín, không dối gạt lừa người. Nếu không, thiếu một lạng vô phúc, giảm hai lạng thiếu lộc, khuyết ba lạng khấu thọ. Hơn nữa màu sắc của 16 ngôi sao được khảm trên cán cân ấy còn yêu cầu phải là màu trắng hoặc màu vàng, không thể dùng màu đen, ngụ ý làm ăn buôn bán thì tâm địa phải thuần khiết, không được làm trái với lương tâm, cũng chính là nói không được có lòng dạ đen tối, không được vì lợi ích mà cân thiếu lạng. Từ đó nhắc nhở khuyên răn mọi người phải mua bán công bằng, không thể vì lợi lộc mà bất chấp tất cả.
Từ đó có thể thấy, trong mắt người xưa cân đòn là tượng trưng cho công bằng, công chính. Gia Cát Lượng từng nói: “Ngô tâm như xứng, bất năng vi nhân tác khinh trọng”. Ý là, tâm của ta giống như cân đòn, phải công bằng, đối với người không được phân nặng nhẹ. Vậy nên sau này “quyền hoành” không chỉ là đo lường trọng lượng của vật, mà cũng dùng để đo lường một sự việc có phù hợp với đạo nghĩa, lương tâm hay không, đo lường một người có lòng thành tín và chính nghĩa hay không.
Có một câu chuyện thế này: Trên con đường phía nam của một huyện thành nhỏ vào thời cổ đại, có hai tiệm bán gạo cách không xa nhau là mấy, một tiệm tên là “Vĩnh Xương”, tiệm kia tên “Phong Dụ”. Một hôm, ông chủ tiệm gạo “Phong Dụ” thấy trong thời buổi loạn lạc làm ăn thật không dễ, liền nghĩ ra một chủ ý có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Ngày hôm ấy, ông cho mời thầy làm cân đến nhà, sau khi cho hết người nhà và người làm công đi, ông liền nói với thầy làm cân: “Phiền ông khắc vạch cán cân 15 lạng rưỡi một cân, tôi sẽ đưa thêm một xâu tiền công cho ông”.
Thầy làm cân vì một xâu tiền thêm này đã quên đi quy tắc hành nghề mà bản thân cần có khi hành nghề này, luôn miệng đồng ý. Ông chủ tiệm căn dặn xong xuôi, bèn để thầy làm cân ở lại trong sân nhà khắc vạch cân, còn bản thân thì vào trong tiệm gạo bán hàng.
Ông chủ tiệm gạo có bốn người con, đều ở nhà giúp ông trông coi tiệm gạo. Người con trai út hai tháng trước vừa cưới con gái của một thầy giáo trường tư thục làm vợ. Người con dâu mới hôm nay vừa hay đang thêu thùa ở trong phòng cách sân không xa, những lời bố chồng căn dặn thầy làm cân cô đều nghe thấy cả.
Sau khi ông chủ tiệm rời đi, cô dâu mới suy ngẫm một lúc, rồi bước ra khỏi phòng nói với thầy làm cân rằng: “Cha ta tuổi tác đã cao, có chút hồ đồ, vừa nãy chắc là nói nhầm rồi, ông ấy là muốn ông khắc cán cân 16 lạng rưỡi một cân đó. Thế này nhé, tôi lại biếu ông hai xâu tiền, ông giúp khắc cán cân 16 lạng rưỡi một cân, có điều đừng để cha ta biết, tránh để ông khỏi vì điều này mà khó xử”. Thầy làm cân vì lại kiếm được thêm hai xâu tiền, nên đã vui vẻ đồng ý. Như thế, một cán cân 16 lạng rưỡi một cân đã rất nhanh được làm xong, thầy làm cân vì tiền nên thật đã không nói với ông chủ tiệm việc thay đổi của cái cân. Ông chủ tiệm thì vì đã từng nhiều lần mời ông ta vạch cân nên hoàn toàn tin tưởng tay nghề của ông ấy, cũng không thử hiệu đính đối chiếu nữa, ngay hôm đó đã đem cái cân ấy vào sử dụng trong tiệm gạo.
Sau một thời gian, việc làm ăn của tiệm gạo “Phong Dụ” ngày càng phát đạt, đến cả những khách hàng lâu năm của tiệm gạo “Vĩnh Xương” trước đây cũng nườm nượp chuyển sang mua gạo ở tiệm “Phong Dụ”. Lại một thời gian sau, người ở phố phía Bắc, phía Tây, phía Đông cũng bỏ gần tìm xa, vượt hẻm xuyên phố mà đến mua ở tiệm “Phong Dụ”. Đến cuối năm, tiệm gạo “Phong Dụ” vì buôn bán phát đạt, đến cả tiệm gạo “Vĩnh Xương” phía chéo đối diện, đều chuyển nhượng cho “Phong Dụ” vì không làm ăn được.
Vào đêm ngày 30 Tết ấy, cả gia đình cùng nhau ăn sủi cảo. Ông chủ tiệm trong lòng cao hứng vô cùng, trong lúc hứng khởi đã bảo mọi người đoán xem bí mật phát tài của nhà mình. Mọi người tranh nhau nói, người thì nói ông trời phù hộ, người thì nói ông chủ tiệm có cách quản lý, người thì nói tiệm gạo ở vị trí tốt, cũng có người nói là nhờ sự phối hợp ăn ý của mọi người.
Ông chủ tiệm nghe xong cười khà khà, nói rằng: “Mọi người nói đều có lý, nhưng đều không phải là nguyên nhân chính. Nhà chúng ta phát tài dựa vào đâu nào? Ha ha, thực ra là dựa vào cái cân của nhà ta đó! Cái cân của nhà ta chỉ có 15 lạng rưỡi một cân thôi, bán một cân gạo thì thiếu đi nửa lạng, mỗi ngày bán hàng trăm hàng ngàn cân, thì tương đương với kiếm thêm tiền hàng trăm hàng ngàn nửa lạng gạo nữa, tích ngày tích tháng, góp nhặt từng ngày đã làm cho nhà chúng ta đã phát tài thế này đó”.
Tiếp đó, ông liền kể lại một lượt chuyện lúc đầu năm bỏ thêm một xâu tiền, khắc cái cân 15 lạng rưỡi một cân. Tất cả con cháu nghe thấy đều há hốc quên cả ăn sủi cảo. Hết kinh ngạc mọi người đều nói ông kín như bưng, đến cả người trong nhà cũng đều không hay biết gì, cứ thế kiếm tiền thôi, ông ấy thật cao minh. Ông chủ tiệm nghe xong cao hứng vô cùng, liên tục vuốt vuốt chòm râu.
Lúc này, người con dâu mới chậm rãi đứng dậy nói với ông chủ tiệm: “Cha à, con có một chuyện đã không nói với cha, trước lúc nói với cha, hi vọng cha hứa với con, có thể tha thứ tội che giấu chuyện này của con”. Ông chủ tiệm nhìn người con dâu mới gật gật đầu. Do vậy người con dâu chậm rãi đem chuyện đầu năm tự mình bỏ ra hai xâu tiền, lén sửa đổi việc ông chủ tiệm muốn vạch cái cân 15 lạng rưỡi một cân thành cái cân 16 lạng rưỡi một cân, kể cho mọi người nghe.
Đồng thời nói tiếp: “Cha nói rất đúng, nhà chúng ta xác thực là phát tài nhờ vào cái cân. Bởi vì cái cân của nhà ta mỗi cân đều nhiều thêm nửa lạng, khách hàng về nhà nấu cơm, sẽ phát hiện thấy gạo nhiều hơn những tiệm gạo khác một chút, liền biết rằng nhà mình làm ăn đứng đắn, thì sẽ muốn đến nhà ta mua gạo, vậy nên việc làm ăn của nhà ta mới càng ngày càng hưng phát. Cho dù mỗi một cân kiếm được ít đi một chút, nhưng số lượng bán được lại nhiều nên kiếm được cũng nhiều. Cho nên, nói một cách chính xác thì nhà ta phát tài là nhờ vào sự thành thực đó thôi!”
Cả nhà nghe xong lại thêm một lần kinh ngạc, ai nấy đều há hốc. Ông chủ tiệm không tin điều này là thật, bèn lấy cái cân dùng bán gạo hàng ngày ra đối chiếu, quả nhiên mỗi cân là 16 lạng rưỡi. Ông chủ tiệm thoáng chốc ngây người, không nói năng gì nữa, rồi chậm rãi đi về phòng riêng.
Hôm sau lúc ăn sáng ngày mồng một Tết, ông chủ tiệm liền ở trước mặt mọi người, lấy trong thắt lưng ra chìa khoá phòng chứa sổ sách, vừa đưa cho người con dâu mới, vừa cười nói: “Ta già rồi, không làm gì được nữa. Đêm qua ta suy nghĩ cả đêm, quyết định từ hôm nay trở đi, giao cho con dâu thứ tư quản lý tiệm, sau này, việc làm ăn của nhà ta đều nghe theo nó!”
Từ câu chuyện vừa rồi, chúng ta đã hiểu rõ được thực sự lợi ích được hay mất bao nhiêu, kích thước của “quyền hoành”, lại không nằm ở thủ đoạn và mánh khóe làm ăn, mà nằm ở “sự thành thật và chữ tín” của người làm ăn phải không nào? Trong cuốn «Tỉnh Thế Hằng Ngôn» có một câu nói rằng: “Hà khắc không kiếm ra tiền, trung hậu không mất tiền”. Vậy nên, tuy chỉ là sai khác nửa lạng, kết quả lại khác nhau một trời một vực.
Tuy nhiên ngày nay, rất nhiều người cho rằng thành thật chính là chịu thiệt, chữ tín chỉ là nói miệng thôi. Thế nhưng sự thực thì thành thật không những không phải chịu thiệt, trái lại sẽ khiến việc làm ăn càng thêm hưng thịnh đó. Bởi vì một người làm kinh doanh nếu có thể làm được thành thật không lừa gạt người khác, thế thì người đó sẽ có được sự tín nhiệm của khách hàng, khách hàng cũng sẽ liên tục chiếu cố cho việc làm ăn của người đó. Trái lại, nếu một người làm ăn mà mất đi cái thành tín ấy, thế thì người đó sẽ đánh mất sự tín nhiệm của khách hàng, thì sẽ khiến khách hàng đối với anh ta sẽ là “kính trọng mà không dám gần”, nên việc làm ăn của người đó đương nhiên cũng sẽ khó tiến triển. Vậy nên chúng ta nhất định phải luôn giữ “thành tín”, “thành tín” vốn là “nền tảng lập quốc”, “cái gốc của làm người”.
Bài viết có nguồn từ https://chanhkien.org/radio/quyen-hoanh-van-hoa-truyen-thong.