Khi còn là sinh viên đại học, bạn có từng nghĩ rằng cần phải kiếm việc có lương thật cao vì chỉ có vậy mới khiến bạn trở nên giàu có chưa? Nhưng rồi đến khi ra trường, thu nhập của bạn có thể cao, nhưng cũng chỉ đủ để bạn trang trải cuộc sống, mua sắm và chi trả cho những trải nghiệm du lịch, những khoản nợ sinh viên..., vậy biết khi nào mới “giàu” đủ để mua nhà, mua xe? 

Đa số chúng ta vẫn coi thu nhập lương tháng là thước đo cho mức độ thành công về tài chính, và quên rằng mình vẫn thường nhắc đến những người giàu nhất hay những người thành đạt với khối lượng tài sản của họ – chính là net worth.

Vậy Net worth là gi?

Net worth (tài sản ròng) là một khái niệm tuy không mới nhưng chưa được phổ biến tại Việt Nam. Trong thuật ngữ ngân hàng-bảo hiểm, giá trị tài sản ròng được tính bằng tổng tài sản có trừ đi tổng tài sản nợ.

Net worth = Tổng tài sản (Assets) - Tổng dư nợ (Liabilities) 

Trong đó: Tổng tài sản (Assets) là Số tiền mình đang sở hữu (tiền mặt, tiền trong các tài khoản ngân hàng, tiền quy ra từ giá trị thị trường của các tài sản như nhà cửa, đất đai, xe cộ…); còn Tổng dư nợ (Liabilities) là Số tiền đang nợ (Vay ngân hàng, vay tín dụng, trả góp...)

Ví dụ: Bạn có trong tài khoản ngân hàng 30 triệu nhưng hiện bạn đang vay người thân 10 triệu vậy net worth của bạn là 30 - 10 = 20 Triệu. Nhưng nếu bạn đang mua một chiếc xe ô tô trả góp 300 triệu ở thời điểm năm trước, hiện tại khấu hao xe chỉ còn giá trị 200 triệu vậy lúc này net worth của bạn chỉ còn (30 - 10) + 200 - 300 = -80 triệu ( như vậy bạn đang bị âm net worth)

Vậy, Bạn đắt giá bao nhiêu không phải dựa vào Lương tháng mà dựa vào Net worth và nó đánh giá sự ổn định về tài chính của bạn cũng như giá trị thực mà bạn có.

Tại sao net worth lại quan trọng?

Thứ nhất, lương chỉ cho biết bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Net worth cho biết bạn giữ được bao nhiêu tiền — mà việc giữ được bao nhiêu trong tay mới phản ánh được tình trạng “sức khỏe tài chính” thực sự của bạn.

Vì vậy có khi bạn nhìn một người nào đó rất giàu sang, đi du lịch khắp nơi, tiêu xài hết sức "Chanh xả" nhưng nếu những nguồn tiền họ đang tiêu đều dựa trên đi vay, trả góp, tín dung...) thì rõ ràng năng lực tài chính của họ không tốt và cũng đã khá nhiều trường hợp bể nợ mới vỡ ra.

Việc phân biệt tài sản ròng và thu nhập từ lương giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan và phân chia tài chính phù hợp nhằm:

  • Quản lý chi tiêu tốt hơn: Việc nhận biết được rằng net worth của bản thân sẽ giảm đáng kể nếu chi tiêu vô độ sẽ phần nào giúp bạn có ý thức hơn, cũng tránh được hiện tượng mức sống tăng một cách không cần thiết khi lương của bạn tăng, hay còn gọi là “lạm phát lối sống”.
  • Chủ động cải thiện năng lực tài chính: Khi có một cái nhìn khách quan và tổng thể về net worth của mình, bạn sẽ thấy mình còn cách vạch đích bao xa và cần tăng thu nhập thế nào để tăng tốc. Như bạn đặt mục đích mua xe, mua nhà theo từng vạch mục tiêu và cần tích lũy net worth bao nhiêu...

Khi  bạn có những đích cụ thể, bạn sẽ tránh được việc tiêu tiền không cần thiết và mục tiêu mà bạn đặt ra cũng giúp bạn có động lực lao động tích cực, hướng đầu tư hiệu quả và kiểm soát được ví của bản thân.

Cách quản lý net worth thế nào?

  • Nhớ công thức net worth và kiểm tra con số đó theo tháng hoặc Quý để bạn cân chỉnh việc cần làm cần dùng và chưa cần.
  • Đặt các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để bạn kiểm soát và tích lũy net worth của mình cho từng mục tiêu
  • Thường xuyên hàng tháng, quý kiểm tra lại net worth của  mình có lệch nhiều ít so với mục tiêu mình đặt ra không
  • Bạn cũng đừng quá ám ảnh với net worth mà kiêm tra thường xuyên vì net worth có thể tăng lên giảm xuống còn phụ thuộc vào các khoản đầu tư của bạn ví dụ như chứng khoán
  • Bạn cũng đừng so sánh net worth của bạn với người khác, ngoài ra cuộc sống chúng ta còn có nhiều thứ giá trị hơn tài sản vật chất đó chính là giá trị tài sản tinh thần như sức khỏe, sự tự do, niềm vui lối sống tích cực, yêu thiên nhiên, thân thiện với cuộc sống, thiền định, tín ngưỡng vv... Điều đó cũng giúp cho bạn có được cái đầu minh mẫn và sáng suốt trong việc xây dựng cuộc sống.

Net worth chỉ phản ánh tình trạng tài chính của mỗi người, chứ không phản ánh giá trị con người. Sự giàu có về tài chính không có nghĩa sẽ giàu có về tinh thần. Khi còn trẻ, không cần quá lo lắng khi net worth chưa nhiều vì những yếu tố đặc trưng cho độ tuổi mà bạn sẽ phải đối mặt: Còn nhiều khoản nợ, mức lương khởi điểm không cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, vv… Hãy giữ cho những “tài sản vô giá” về mặt tinh thần không bị hao hụt quá nhiều, vì dù chưa giàu về tài chính, nhưng đã “rủng rỉnh” về đời sống tinh thần cũng là may mắn và tốt đẹp. Bạn vẫn có một cuộc sống tươi đẹp ý nghĩa mỗi ngày mà không phải dựa trên khối tài sản ròng mà bạn đã tích lũy.